Chuyển đến nội dung chính

Cảm Hứng và nhu cầu

Cảm hứng và Nhu cầu | Tình yêu và Nỗi sợ
(lại copy từ LyPhan)

Hai thứ nhìn ngoài thoáng qua tưởng vậy, mà thực ra khác biệt nhau. Đến từ hai động lực khác nhau, toả ra hai năng lượng khác nhau, thu hút những thứ khác nhau.

Khi bạn có cảm hứng, bạn mở lòng, bạn sẵn sàng đón nhận, bạn thực hiện cảm hứng đó., ví dụ như bạn có cảm hứng vẽ tranh, lên facebook viết bài, gặp gỡ bạn bè, mở lớp dạy học, dọn nhà, bán hàng, giao dịch đất đai (điền bất cứ cái gì bạn muốn điền) v.v.

Và nếu duyên chưa tới, cảm hứng không được thực hiện, bạn không đau buồn hay stress vì nó. Không phải làm nó bằng mọi giá bất chấp.

Khi bạn có nhu cầu, bạn sốt sắng, bạn lo lắng gấp gáp để thực hiện nhu cầu đó.. Nhu cầu có người nói chuyện, nhu cầu vào fb, nhu cầu dọn nhà, nhu cầu bán hàng, nhu cầu đi làm, giao dịch…v.v.

Và đây chính là điều giúp bạn phân biệt sự khác nhau giữa “cảm hứng” và “nhu cầu’. Đó là, nếu nhu cầu không được thực hiện vì một lý do nào đó, bạn sẽ stress, lo lắng, khắc khoải, sợ hãi, tìm mọi cách để thúc đẩy, nóng vội, kiểm soát..

Cảm hứng, xuất phát từ tình yêu, từ thực tại, chính là sự vận động tự nhiên của vũ trụ và vạn vật tương tác thông qua bạn. Vì thế, một người sống thuận theo tự nhiên, chính là một người sống thuận theo cảm hứng của mình và trời đất. Lúc này, dù người ta nói “Tôi không làm gì cả”, thực ra lại đạt được rất nhiều thứ mà không chủ ý. Vì việc sống Theo cảm hứng không được coi là “làm gì”, mà chỉ cho phép cảm hứng tuôn trào và dẫn dắt, đưa mình vào hành động, nhẹ nhàng như không làm gì. Còn gọi là trạng thái “Tự nhiên là”.

Làm ít mà lại được nhiều, không làm gì mà “không gì không làm”, bất chiến tự nhiên thành, chẳng tính toán mà lại cứ thành công, làm mà không thấy nỗ lực… chính là vì bạn theo cảm hứng của mình. Một số cảm hứng rất quen thuộc với chúng ta, đó là “cơn đói”, “sự buồn ngủ”, “buồn ị”.. Không ai vì làm theo những cảm hứng này, mà lại thấy mệt mỏi cả. Không ai, gọi việc ăn cơm, ngủ, đi ị.. là lao động cả. Trái lại, được cho phép mình đón nhận những cảm hứng này, được ngủ, được ăn, được đi ị.. làm bạn thêm khoẻ, thêm thư giãn..

Vì thế, người tự nhận mình LƯỜI, thực ra, lại là người khôn ngoan, toàn ỷ lại vào hứng của trời đất thông qua mình mà xong việc. Như người đi biển nương theo sóng, theo gió mà lái thuyền chứ không cố chứng minh mình khoẻ và đi ngược lại mọi vận hành tự nhiên.

Ngược lại, nhu cầu vốn xuất phát từ nỗi sợ, từ cảm giác thiếu thốn trong sâu thẳm, mà chung quy cũng là vì sự quên lãng mất bản chất thật của mình. Nỗi sợ là sản phẩm của tâm trí, của tiếng nói trong đầu, của sự phân tích, suy nghĩ, của kinh nghiệm, nhận định không liên quan tới thực tại. Khi bạn đang nghĩ, bạn đang không có mặt ở đây. Bạn chỉ có thể làm 1 trong 2 việc, NGHĨ, hoặc CÓ MẶT. Và vì nó không liên quan tới giây phút hiện tại, nên những hành động làm từ sự sợ hãi thường tốn sức, tốn công, và mù quáng.

Nếu bạn hiểu đạo, bạn sẽ cho phép cảm hứng tự tuôn trào. Nếu bạn không hiểu đạo, bạn bắt mình phải có có nhu cầu ăn, nhu cầu ị, nhu cầu ngủ.. lập tức, những thứ này vốn là cảm hứng tự nó sẽ đến khi muốn đến… thì bỗng dưng, trở thành áp lực. Cũng làm ngần ấy thứ, mà căng thẳng tùm lum, hao tổn năng lượng, và vòng vo với rất nhiều rào cản.

Đã có những bạn nhắn tin riêng cho Ly và hỏi làm thế nào để ngủ khi.. mất ngủ, vì loay hoay tìm cách cho mình ngủ mà bạn sinh trầm cảm cả tháng nay. Ly chỉ trả lời khi mất ngủ thì làm thơ, xem phim, hay làm gì mà bạn thích.. sao lại bắt mình phải ngủ? Bạn trả lời vì ngày mai PHẢI đi làm. Mà đúng rồi, cái việc đi làm đều đặn vào mấy giờ, nó là sản phẩm của tư duy, chứ nó đâu có quan tâm thực tế là bạn thích ngủ hơn. Và thế là bạn bước vào một vòng luẩn quẩn, bắt mình phải làm một thứ mình không có hứng để phục vụ một thứ không tự nhiên. Cứ thế mà càng ngày càng sống trái quy luật, rước mệt mỏi và áp lực chả liên quan gì đến thực tại, vào người. Dại hơn, là bạn không biết phải ưu tiên điều gì, vì bạn không biết, điều gì có sức mạnh lớn hơn ngàn ông sếp, ngàn cân vàng, ngàn con cháu.

Một đôi dòng bật mí nho nhỏ giúp bạn phân biệt hai động lực khác nhau.

Để thấy là, khi ta thôi không hành động theo suy nghĩ, tưởng tượng, sợ hãi, kiểm soát nữa… thì không có nghĩa là cuộc sống của ta ngừng trôi, ta ngừng trưởng thành, hay ngưng sống động.

Ngược lại là khác, lúc này ta có không gian để hành động theo cảm hứng của mình và cảm hứng của cuộc đời, giống như một cái cây được mọc một cách organic, quả ngọt lành và khoẻ mạnh hơn, lan toả năng lượng thơm ngát thuần khiết.

Nhận xét