Chuyển đến nội dung chính

Iq eq

Thành đạt = IQ x EQ

----///----

Cách đây 5 năm, tôi có viết một bài về Đại gia và sự Thành đạt, đại loại là Đại gia không hẳn là người giàu có lắm tiền mà là người biết sống vì cộng đồng và được kính trọng, Thành đạt không chỉ là người quyền cao chức trọng mà là người sống có lý tưởng, mục tiêu và phấn đấu đạt được mục tiêu của mình. Thấy cũng được khen là hiểu đúng, viết đúng.

Giờ thì nhấn một bước bàn về công thức của thành đạt.
Với sinh viên và các bạn trẻ, tôi thường đưa ra cho các bạn một công thức đơn giản:

Thành đạt = IQ x EQ

Theo các nhà khoa học, chỉ số thông minh IQ (Intellegence Quotient) là một "đoạn mạch ADN vững chắc", được hình thành từ bào thai và ổn định sau 3 năm đầu đời, (các công ty sữa dùng câu chuyện này để nhấn mạnh yếu tố DHA trong 3 năm đầu đời của trẻ). Sau 3 tuổi, não trẻ thông minh và Einstein chả khác gì nhau :).
Tôi gọi IQ là Hằng số bất biến.

Còn EQ?
Tôi gọi EQ (Emotion Quotient) là ngọn lửa trong mỗi con người, với tôi, chỉ số cảm xúc luôn là một biến số x.
Biến số này phụ thuộc vào hàng vạn yếu tố bên trong và bên ngoài của chủ thể. Gia đình, nhà trường (cụ thể là giảng viên)... phải đóng vai trò khơi gợi ngọn lửa đam mê sống, đam mê khoa học... bùng cháy chứ không phải nhồi nhét giáo điều và kiến thức để các bạn trẻ chán ngấy mà tự dụi tàn đam mê, mất động lực.

Với hàm Thành đạt Y, khi ta có hằng số IQ không đổi, giá trị EQ càng cao thì Thành đạt Y càng lớn.

Các nhà khoa học còn gọi EQ là "Trí thông minh của cảm xúc". Và đây là 11 dấu hiệu của người có chỉ số EQ thấp, nên cải tạo để có giá trị Y tăng:

1. Bạn dễ dàng bị căng thẳng

Những người thiếu trí thông minh cảm xúc thường nhanh chóng rơi vào những cảm giác khó chịu như giận dữ, lo lắng, căng thẳng. Những cảm xúc chưa được giải tỏa sẽ tích tụ trong tâm trí và cơ thể họ. Kỹ năng EQ sẽ giúp họ kiểm soát cảm xúc của mình dễ dàng hơn bằng cách phát hiện ra nó và giải quyết các tình huống khó khăn trước khi mọi thứ đi quá xa.

2. Bạn gặp khó khăn trong việc khẳng định mình

Những người có EQ cao có khả năng cân bằng giữa những hành xử tốt, sự đồng cảm, lòng tốt với khả năng khẳng định mình và thiết lập các ranh giới. Sự kết hợp khéo léo này rất lý tưởng cho việc giải quyết các xung đột, mâu thuẫn. Điều này giúp họ trung hòa những người khó tính và khó chịu, mà không tạo kẻ thù.

3. Bạn có vốn từ vựng cảm xúc bị hạn chế

Ai cũng đều có những cảm xúc, nhưng chỉ có một số ít người có thể xác định chính xác cảm xúc mà mình đang trải qua. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, chỉ có 36% có thể làm được điều này. Đây là một vấn đề, vì những cảm xúc chưa được xác định thường dẫn đến hiểu nhầm, từ đó dẫn tới những lựa chọn thiếu hợp lý và những hành động phản tác dụng.

Những người có EQ cao hiểu rõ cảm xúc của mình, vì họ hiểu bản thân. Họ sử dụng vốn từ vựng phong phú để miêu tả cảm xúc của mình. Trong khi nhiều người chỉ mô tả cảm xúc của mình là “tệ”, thì những người có EQ cao sẽ dùng những từ cụ thể hơn: khó chịu, thất vọng, bị chà đạp, lo lắng… Sự lựa chọn từ ngữ của bạn càng cụ thể thì bạn càng có cái nhìn sâu sắc hơn về cảm xúc mà bạn đang trải qua, nguyên nhân gây ra nó và bạn nên làm gì khi đó.

4. Bạn đưa ra giả định một cách nhanh chóng và kiên quyết bảo vệ chúng

Những người thiếu trí thông minh cảm xúc đưa ra quan điểm rất nhanh, sau đó họ tập hợp các bằng chứng ủng hộ cho quan điểm của mình và lờ đi những bằng chứng ủng hộ quan điểm đối nghịch. Điều này cực kỳ nguy hiểm với những người lãnh đạo, bởi vì những ý tưởng thiếu cân nhắc của họ sẽ trở thành chiến lược của cả nhóm.

Người có EQ cao thường nghiền ngẫm suy nghĩ của mình, bởi vì họ biết rằng những phản ứng ban đầu thường được điều khiển bởi cảm xúc. Họ cho suy nghĩ của mình thời gian để phát triển và xem xét hậu quả và những mâu thuẫn có thể có. Sau đó, họ truyền đạt ý tưởng đã được phát triển của mình theo cách hiệu quả nhất có thể, trong đó có lắng nghe nhu cầu và quan điểm của người khác.

5. Bạn giữ mối hận thù

Khi một mối đe dọa sắp xảy ra, phản ứng tiêu cực là cần thiết cho sự tồn tại của bạn, nhưng khi nó đã là chuyện của quá khứ, giữ lại hận thù sẽ tàn phá cơ thể bạn và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe theo thời gian.

Các nhà nghiên cứu của ĐH Emory đã chỉ ra rằng, hận thù sẽ gây ra huyết áp cao và bệnh tim. Giữ hận thù nghĩa là bạn đang giữ những căng thẳng. Người có trí thông minh cảm xúc biết tránh điều này bằng mọi giá. Buông bỏ hận thù không chỉ làm cho bạn cảm thấy tốt hơn bây giờ, mà còn có thể cải thiện sức khỏe của mình mai sau.

6. Bạn đeo bám mãi những sai lầm

Những người có trí thông minh cảm xúc tách mình ra khỏi những sai lầm của họ, nhưng họ không quên chúng. Bằng cách giữ những sai lầm ở một khoảng cách an toàn, nhưng vẫn đủ để nhìn vào tham khảo, họ có thể thích nghi và điều chỉnh để đạt được thành công trong tương lai.

Ám ảnh quá lâu với những sai lầm khiến bạn lo lắng và nhút nhát, trong khi quên hoàn toàn nó đi lại làm bạn có nguy cơ lặp lại. Chìa khóa để cân bằng nằm ở khả năng biến thất bại thành bàn đạp cho thành công.

trí thông minh cảm xúc, EQ, rèn trí thông minh cảm xúc, tập luyện trí thông minh cảm xúc, kỹ năng sống

7. Bạn thường cảm thấy mình bị hiểu lầm

Khi bạn thiếu trí thông minh cảm xúc, bạn cảm thấy mình bị hiểu lầm vì bạn không thể đưa ra thông điệp theo cách mà mọi người có thể hiểu. Kể cả những người có EQ cao cũng biết rằng họ không thể truyền đạt tốt mọi ý tưởng của mình một cách hoàn hảo. Nhưng khi họ nhận thấy mọi người không hiểu những gì họ đang nói, họ sẽ điều chỉnh cách tiếp cận và truyền đạt lại ý tưởng đó.

8. Bạn không biết cách bóp "cò súng"

Ai cũng có cò súng của mình. Mọi người thường hay “bóp cò” và gây ra những hành động hấp tấp. Những người có trí thông minh cảm xúc cao hiểu về "cò súng" của mình, sử dụng những kiến thức đó để bước lùi lại, đợi đến khi đã hoàn toàn sẵn sàng.

9. Bạn không tức giận

Trí thông minh cảm xúc không phải là luôn tỏ ra vui vẻ, mà là quản lý cảm xúc để đạt được kết quả tốt nhất có thể. Đôi khi điều đó có nghĩa là bạn phải cho mọi người thấy rằng bạn đang thất vọng, buồn bã. Liên tục che giấu cảm xúc của bạn bằng sự vui vẻ và tích cực không phải là cách làm hiệu quả và đúng đắn. Những người có EQ cao thể hiện cảm xúc tích cực và tiêu cực một cách có dụng ý trong những tình huống thích hợp.

10. Bạn đổ lỗi cho người khác về việc gây ra cảm xúc của mình

Cảm xúc tới từ bên trong. Bạn phải là người chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình. Không ai có thể làm bạn cảm thấy bất cứ điều gì mà bạn không muốn.

11. Bạn dễ dàng bị xúc phạm

Nếu bạn hiểu rõ mình là ai, thì rất khó để người khác nói hay làm những thứ làm bạn buồn rầu hay tức giận. Người có trí thông minh cảm xúc là những người tự tin, cởi mở và “mặt dày”. Thậm chí, bạn có thể tự giễu chính mình hoặc để cho người khác trêu đùa mình, bởi vì bạn có khả năng phân tách ranh giới giữa sự hài hước và sự xúc phạm.

Không giống như IQ, EQ có thể được rèn giũa. Khi bạn luyện tập bộ não bằng cách liên tục thực hành những hành vi mới thể hiện trí thông minh cảm xúc, nó sẽ trở thành thói quen. Khi bộ não gia cố việc sử dụng những hành vi mới này, những hành vi cũ sẽ mất đi. Chẳng bao lâu, bạn sẽ bắt đầu phản ứng với những thứ xung quanh mình bằng trí thông minh cảm xúc mà không cần phải suy nghĩ về nó.

-----

Nếu bạn đã đọc cẩn thận đến dòng cuối cùng này, Hoài khẳng định bạn có chỉ số EQ rất cao, chắc chắn bạn đã, đang và sẽ là người Thành đạt theo cách của bạn.

Chúc bạn thành công hơn nữa với ước mơ của mình!

(Bài viết có tham khảo tài liệu trên Business Insider)

Nhận xét