Chuyển đến nội dung chính

NHỮNG VIÊN ĐÁ...

Bối cảnh mùa hè HN và hình tượng viên đá xuyên suốt câu chuyện trong bộ phim truyện dài đầu tay của đạo diễn Phan Đăng Di dẫn dắt khán giả bước vào cuộc hành trình khám phá những bí mật sâu kín tồn tại trong mỗi con người.

(tình cờ đọc được bài viết về bộ phim "Bi, đừng sợ" và mình cảm thấy rất là tâm đắc nên copy từ vnxpress về đây cho minh và chia sẻ với ai ghé ngang nhà)

Với ý tưởng những viên đá trong suốt gắn với cuộc hành trình khám phá những bí mật thầm kín ẩn sâu trong những con người thuộc nhiều thế hệ khác nhau, Phan Đăng Di đã mất hai năm để đưa Bi, đừng sợ từ trí tưởng tượng lên màn ảnh rộng. Các giải thưởng quốc tế tại nhiều LHP danh tiếng như Cannes (Pháp), Stockholm (Thụy Điển) càng khiến dư luận tò mò về Bi, đừng sợ và đặt ra câu hỏi rằng yếu tố nào đã giúp cho bộ phim đầu tay của một đạo diễn trẻ gây được tiếng vang tại nước ngoài? Mỗi người xem sẽ tự tìm thấy câu trả lời cho riêng mình sau 90 phút trải nghiệm nỗi đau từ những viên đá lạnh buốt.

Phim bắt đầu bằng hình ảnh một nhà máy làm nước đá vào giữa mùa hè, những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt của những người công nhân, những tảng đá trong suốt, mát lạnh được đẽo, đục, cưa và chuyển qua chuyển lại. Bi, một đứa trẻ 6 tuổi, đang nhìn những tảng đá bằng ánh mắt đầy tò mò, khám phá. Bầu không khí oi bức của mùa hè Hà Nội tiếp tục đưa khán giả tới những quán bia tấp nập kẻ qua người lại ồn ào. Đối lập với nó là bữa cơm tối của gia đình bé Bi thiếu vắng người bố. Quang - bố của Bi - chỉ trở về nhà sau bữa nhậu. Sự xuất hiện của người ông nội sau bao nhiêu năm xa nhà đem tới cho Bi sự háo hức, lạ lẫm nhưng không có một chút gì ảnh hưởng tới con trai và con gái của ông. Thúy - người cô luống tuổi chưa chồng - vẫn ngày ngày đi dạy học và bắt đầu mối quan hệ với một người đàn ông quen qua mai mối. Những trường đoạn đầu tiên của Bi, đừng sợ đem tới cho người xem cái nhìn về cuộc sống dường như rất bình thường của một gia đình bình thường trong cái oi bức đến "nhễ nhại" của mùa hè Hà Nội.

Tuy nhiên, đằng sau cái có vẻ như là "bình thường" đó lại ẩn chứa sự bế tắc, nỗi cô đơn, những khát khao kìm nén và ẩn ức riêng của từng nhân vật. Bi, đừng sợ không có cốt truyện như những bộ phim khác mà thay vào đó, đạo diễn Phan Đăng Di sử dụng viên đá là mối liên kết giữa các nhân vật và từng tuyến chuyện. Viên đá giúp người ông xoa dịu những đau đớn mà bệnh tật của tuổi già đem lại, viên đá giúp người cô kìm nén những ham muốn tình dục lúc nửa đêm, viên đá khiến người cha giải tỏa được cơn khát giữa mùa hè nóng bỏng. Còn với Bi, viên đá là một thứ gì đó thú vị, hấp dẫn em mỗi khi nhìn thấy và chạm vào để cảm nhận cái tê buốt trên những đầu ngón tay. Đá còn giúp Bi lưu lại những chiếc lá khô. Nếu như ví những tảng đá lạnh là cánh cửa bước vào thế giới người lớn, thì sự hồn nhiên, tinh nghịch và trong trẻo của một đứa bé 6 tuổi như Bi chính là lực đẩy giúp người xem bước qua được lớp nước đá mờ ảo để cảm nhận rõ hơn mối quan hệ giữa người với người cùng những nỗi niềm khát khao, đau thương tột cùng và sự tàn nhẫn của thời gian

Bi, đừng sợ có những khuôn hình đẹp và những góc quay tinh tế đi theo từng cung bậc cảm xúc của người xem. Hình ảnh trái táo đỏ lấp ló bên trong tảng đá lớn, hình ảnh hai đứa trẻ "cào xé" lớp ruột màu đỏ tươi của một quả dưa hấu hay hình ảnh người bố đứng trên một khu nhà tập thể cũ kỹ, đằng xa là những tòa nhà cao tầng... đều là những hình ảnh đậm chất "cine", gây ấn tượng sâu sắc về mặt thị giác. Trạng thái tâm lý tình cảm giữa các nhân vật cũng được khai thác tới tận cùng bằng những hình ảnh mạnh. Ánh đèn ngủ màu vàng hiu hắt khi người chồng hờ hững trước sự thèm muốn của người vợ đối lập với thứ ánh sáng xanh lạnh lẽo trong cảnh làm tình của hai người về sau. Góc quay từ trên xuống cho thấy hai thân thể trần truồng nhễ nhại mồ hôi giữa đêm khuya sau cuộc truy hoan là một trong những cảnh quay để lại nỗi ám ảnh nhất trong Bi, đừng sợ. Giữa hai vợ chồng giờ đây chỉ có thể đáp ứng được cho nhau những khát khao về thể xác, chứ không thể tạo được "lửa", tạo được cảm xúc cho một mối quan hệ đã đóng băng trong một thời gian dài

Tâm lý của người cô cũng được đưa đẩy một cách khéo léo. Ở một lứa tuổi đáng ra phải "chồng con đề huề" thì Thúy - người cô vẫn chưa có cơ hội được trở thành một người phụ nữ "thực sự". Sự quan tâm, nụ cười và ánh nhìn trìu mến của cậu học sinh tình cờ gặp trên xe buýt giống như một dòng nước mát chảy qua mảnh đất khô cằn, héo úa và gieo rắc một nỗi nhớ nhung âm ỷ bên trong con người cô. Sự bối rối, hoang mang mỗi lần đối diện với cậu học sinh đã trở thành ngọn lửa khát khao và bùng phát ra ngoài khi Thúy chiêm ngưỡng những cơ thể "non tơ" một cách vụng trộm trong một ngày tình cờ. Khi đó, không gì có thể xoa dịu được nỗi đau cả về tâm hồn lẫn thể xác của cô ngoài những viên đá lạnh. Những người phụ nữ trong Bi, đừng sợ cũng giống như những Cầm, Duyên và Vy của Chơi vơi - mạnh mẽ nhưng luôn có sự bức bối, khát khao tình dục bên trong mà phải kìm nén. Xem Bi, đừng sợ và nhìn lại mới thấy rằng Chơi vơi do Bùi Thạc Chuyên đạo diễn nhưng vẫn mang đậm cái "màu" tác giả của biên kịch Phan Đăng Di.

Hoa Thúy (vai người cô) và Kiều Trinh (vai người mẹ) có thể nói đã đem tới cho các nhân vật nữ của Bi, đừng sợ cái "hồn" với những gì họ thể hiện trên màn ảnh. Nỗi dày vò, bứt rứt của người cô và sự nhẫn nại, tấm tức bên trong của người mẹ được lột tả qua những suy nghĩ, hành động đầy táo bạo đến rùng mình. Chính vì các nhân vật nữ quá mạnh mẽ nên dường như vai trò của những người đàn ông trong Bi, đừng sợ có phần "yếu thế" hơn. NSND Trần Tiến (vai người ông) và Hà Phong (vai người bố) không có cơ hội thể hiện được nhiều để ghi dấu ấn trong lòng người xem. Tuy nhiên, "người đàn ông nhỏ tuổi nhất" của bộ phim - cậu bé Phan Thành Minh trong vai Bi - với lối diễn xuất hồn nhiên và ngẫu hứng lại có sức thuyết phục người xem nhất dù đôi chỗ vẫn tạo cảm giác "sắp đặt".

Hình ảnh của Bi, đừng sợ mang tới nhiều cảm xúc nhưng dẫn dắt từng mạch cảm xúc cho khán giả là âm thanh. Nếu như tiếng bước chân của một đứa trẻ 6 tuổi, tiếng xe cộ cùng âm thanh náo nhiệt của một buổi chiều mùa hè Hà Nội đưa khán giả bước vào cuộc hành trình của cậu bé Bi và những viên đá trong thế giới người lớn, thì khép lại chuyến đi đó là những thứ âm thanh tạo cảm giác day dứt, ám ảnh khôn nguôi. Trong suốt chiều dài phim, đạo diễn Phan Đăng Di cũng không hề sử dụng âm nhạc để tạo hiệu quả cho các cảnh quay, thay vào đó là những thanh âm của cuộc sống. Tiếng những viên đá va vào thành ly thủy tinh, tiếng nhai thức ăn của các nhân vật, tiếng chày giã cua, tiếng thở trong đêm, tiếng trẻ em vui đùa và cả những tạp âm không tên của đường phố Hà Nội khi hòa quyện với hình ảnh đã tạo nên 90 phút cảm xúc trọn vẹn cho người xem.

Đạo diễn Phan Đăng Di từng nói: "Thực ra ba người đàn ông trong phim (Bi, bố Bi, ông nội Bi) chỉ là ba giai đoạn trong cuộc đời một người đàn ông mà thôi...". Có thể thấy rằng trong cuộc đời của người đàn ông, ai cũng từng có một thời trẻ thơ hồn nhiên muốn khám phá cuộc sống bên ngoài với cả năm giác quan như Bi. Phải trải qua những vấp ngã, thử thách hay khó khăn thì những đứa trẻ mới trở thành những người đàn ông thực thụ. Đến một giai đoạn nhất định, những người đàn ông bắt đầu chuyến hành trình không tên để tìm kiếm những giá trị không tên. Trong hành trình đó, người phụ nữ chỉ đóng vai trò như một xuất phát điểm, một sự kiêu hãnh mà người đàn ông nào cũng cần có để sau này khi "đi mãi rồi cũng quay về", họ mới nhận thấy điểm chung của mình là từ bé tới lớn đều cần đàn bà. Tuy nhiên, để hiểu được nội tâm của đàn bà lại là chuyện hoàn toàn khác. "Họ được chăm sóc, vây bọc, yêu thương, rã rời bởi đàn bà, nhưng họ có hiểu đàn bà hay không lại là một câu hỏi khó trả lời" - đạo diễn Phan Đăng Di nói.

Cách xử lý kịch bản với những tuyến chuyện lồng ghép, chồng chéo lên nhau đẩy người xem rơi đúng vào điểm nhìn của cậu bé Bi một cách có chủ ý và tạo cảm giác vừa tò mò, lại vừa sợ hãi, thậm chí là "ghê tởm" trước sự lạnh lẽo của đồng loại, sự thiếu hụt tình cảm giữa những con người ở ba thế hệ trong một gia đình. Chuyện đó không phải là điều xa lạ trong xã hội ngày nay nhưng khi cảm nhận nó trên màn ảnh dưới cái nhìn của Bi, nỗi sợ của một đứa trẻ đã biến thành nỗi sợ của người lớn.
Bi, đừng sợ ví von những mối quan hệ tình cảm của con người giống như viên đá - có thể chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái khác để rồi sau đó tan chảy và biến mất vào hư không. Thứ mạnh mẽ nhất tác động lên nó chính là thời gian. Ai trong số chúng ta cũng đều có những lúc cảm thấy mệt mỏi, hay nói cách khác là "nhạt" trước một mối quan hệ - có thể là tình yêu, tình bạn hay đơn giản là đam mê với một thứ gì đó. Khi xúc cảm mất đi thì những mối quan hệ đó dần trở nên vô cảm và đến lúc nào đó sẽ thực sự kết thúc. Trong Bi, đừng sợ, sự trở về của người ông sau bao năm xa nhà không thể giữ chân được người bố ở nhà dùng bữa cơm tối với gia đình dù chỉ là một ngày, cũng không thể ngăn người cô đắm chìm trong những ẩn ức của bản thân. Thời gian vẫn cứ trôi đi và con người vẫn cứ tiếp tục chơi vơi trong cái vòng đời lẩn quẩn.


Ngoài những nỗi niềm đau đáu, day dứt về cuộc sống và những mối quan hệ, Bi, đừng sợ còn đọng lại trong người xem một Hà Nội thân thuộc hơn bao giờ hết. Hà Nội được tái hiện trong phim là những quán bia đông đúc, xô bồ nơi gầm cầu, những đứa trẻ đứng tựa vào tường tận hưởng que kem mát lạnh trong một buổi tối oi bức mùa hè, những bờ lau rì rào trong gió bên sông Hồng và cây cầu Long Biên... Mùa hè Hà Nội còn được thể hiện qua những chi tiết rất nhỏ như cơn mưa rào bất chợt vào buổi chiều hay hình ảnh những quán cafe sâu trong các con ngõ nhỏ tối tăm, món bánh trôi - bánh chay và cả việc mất điện đột ngột tại nơi công sở. Bấy nhiêu đó đủ để tạo nên những dư vị ngọt ngào nhất, thân quen nhất về mùa hè Hà Nội đối với những ai từng trải nghiệm nó.








Bài gốc - Nguyên Minh - vnexpress

Nhận xét

  1. - Bi muốn nhìn cô tắm!
    - Không được! Cô xấu hổ lắm!
    .....
    - Nhìn tý ty cũng không được à..

    kaka

    Trả lờiXóa
  2. hic, chả giống thực tế chút nào, ở tuổi này trẻ con toàn tắm truồng, vậy mà để cu cậu mặc quần sịp như người nhớn; à , trông giống oap phêt nhể...

    Trả lờiXóa
  3. Oi gioi oi! Bai thi dai, chu thi nho, moi mat qua em oi!

    Trả lờiXóa
  4. tò mò từ bé phải không anh ;)

    Gen đàn ông :D

    Trả lờiXóa
  5. àh thi thỏang chúng cũng xấu hổ chứ. Mẹ còn không được nhìn nữa là cô :D

    Trả lờiXóa
  6. to rồi chị ơi! Chị đọc thử coi có thấy hay giống em ko nhé :)

    Trả lờiXóa
  7. Hồi bằng tuổi Bi anh không tò mò thế đâu. Thếhệ sau như nhà đạo diễn phim này mới tò mò thế chứ. Lời thoại này là của đạo diễn chứ Bi đâu biết gì...
    kaka

    Trả lờiXóa
  8. bi nghĩ kiểu trẻ con, cô của bi nghĩ kiểu người lớn còn em và anh nghĩ kiểu... tò mò hihi

    Hình tương trong sáng mà anh :)

    mà anh có khai thật ko vậy ;)

    Trả lờiXóa
  9. Trong sáng như em nghĩ đó. Còn hỏi khai thật với không thật!
    kaka

    Trả lờiXóa
  10. Đá buốt nắm. Bin nhà mình chuyên gia dòm xem răng bà nội sao lại tháo ra được...

    Trả lờiXóa
  11. :) đá buốt lắm và cũng đời lắm đời lắm :)
    em thích cách dùng bài viết trên (film)

    mượn bà cho Bin xem :) Bin thấy ăn đá thoải mái mà ko sợ buốt răng áh

    Trả lờiXóa
  12. như kiểu trong veo phải ko ạh ;)

    Trả lờiXóa
  13. Hồi bằng tuổi Bi thì mình trong veo....còn Bi thì không!
    kaka

    Trả lờiXóa
  14. Cho xin viên đá nhét mồm cái.

    Trả lờiXóa
  15. Bài viết của ai vậy Opoap ơi . Một bài bình luận phim cực kỹ , không xem được nhưng đọc bài này và coi một số đoạn thôi , thấy đạo diễn trẻ VN giờ làm phim khá phết .

    Trả lờiXóa
  16. giật mình cho cái tên vào rồi ạh.

    Tuổi trẻ chị ạh. phải như vậy chứ :)

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét